Kỳ vọng tăng sức hút từ các hoạt động mang đậm dấu ấn, bản sắc văn hóa của lễ hội, năm nay, Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ dự kiến tổ chức từ ngày 17 – 21/4, tại thành phố Cần Thơ với nhiều điểm mới theo hướng đặc sắc hơn, phong phú hoạt động trải nghiệm.
Dự kiến, Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ năm 2024 sẽ có hoạt động dâng bánh dân gian nhân Giỗ Tổ Hùng Vương, trên 200 gian hàng giới thiệu đến người dân, du khách các loại bánh dân gian. Cũng tại lễ hội, du khách có thể tham dự hoạt động đổ bánh xèo khổng lồ hay tái hiện nghề làm bánh tráng Thuận Hưng – nghề truyền thống đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, hội thi làm các loại bánh dân gian, chương trình biểu diễn nghệ thuật đậm chất Nam Bộ.
Cũng tại Đồng bằng sông Cửu Long, Lễ hội sen Đồng Tháp lần thứ nhất diễn ra vào năm 2022 từng tạo nhiều hiệu ứng tích cực, thu hút trên 100.000 lượt khách, trở thành điểm nhấn ấn tượng của du lịch đất sen Hồng.
Theo thông tin từ UBND tỉnh Đồng Tháp, năm 2024, Lễ hội sen Đồng Tháp lần thứ 2 chủ đề “Rạng ngời sắc Sen” diễn ra từ ngày 16 – 19/5, tại thành phố Cao Lãnh, nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Lễ hội gồm chuỗi hoạt động hấp dẫn như, chương trình nghệ thuật kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 – 2024), hội thảo phát triển công nghiệp chế biến, tăng cường xúc tiến thương mại và nâng cao giá trị chuỗi ngành hàng sen, giới thiệu lô hàng sen đầu tiên xuất khẩu sang Nhật, hội chợ Công Thương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long – Đồng Tháp năm 2024… Cùng với đó là loạt hoạt động trải nghiệm, trưng bày, triển lãm, hội thi văn hóa, nghệ thuật sẽ được tổ chức, trong đó, chú trọng không gian, hoạt động để du khách, người dân tương tác, trải nghiệm với những đóa sen hồng Đồng Tháp một cách chân thực, đặc sắc nhất…
Đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch địa phương này khẳng định, lễ hội là một trong những hoạt động cụ thể, hiện thực hóa Đề án phát triển du lịch, góp phần tạo dựng hình ảnh tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2023 – 2025, định hướng đến 2030. Đồng thời, lễ hội tôn vinh hoa sen, phát huy giá trị văn hóa – kinh tế cho sản phẩm chế biến từ cây sen Đồng Tháp, thúc đẩy ngành nông nghiệp trồng sen gắn với phát triển sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo dựa trên điều kiện kinh tế đặc thù, lợi thế, giá trị văn hóa, lịch sử, con người và tài nguyên thiên nhiên của địa phương.